Smartphone không phủ nhận là một trong những phát minh hết sức tiện ích của nhân loại. Nó làm thay đổi cách cuộc sống vận hành, giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thể gọi xe, đặt đồ ăn, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thực hiện các giao dịch bạc tỉ… chỉ bằng vài cái vuốt tay thôi.
Nhưng sự tiện dụng của smartphone cũng khiến con người trở nên ngày càng phụ thuộc vào nó, thậm chí lạm dụng đến mức trở thành nghiện. Thường thì bất kỳ thứ gì “quá” cũng đều không tốt, và với smartphone, nó đem lại 5 hội chứng bệnh đang xảy ra với rất nhiều người hiện nay.
1. Hội chứng… mọc sừng
Mới đây, các chuyên gia từ ĐH Sunshine Coast (Úc) đã thực hiện một nghiên cứu trên 1.200 người trẻ trong khoảng từ 18 – 30 tuổi. Họ đã theo dõi bản chụp X-quang hộp sọ của các ứng viên, và phát hiện ra một hiện tượng hết sức bất ngờ: Khoảng 1/3 trong số đó có một gai xương xương mọc ra từ phía sau hộp sọ, trông giống như một chiếc sừng nhỏ vậy.
Nguyên nhân được cho là vì thói quen nghiêng đầu về phía trước khi sử dụng smartphone và các thiết bị điện tử cầm tay khác. Hành động này khiến trọng lượng dồn từ đốt sống cổ về phía các cơ sau đầu, khiến hộp sọ phải mọc thêm đốt xương để giảm bớt áp lực.
Có thể so sánh điều này với hiện tượng da mọc thành chai tay khi liên tục phải chịu áp lực cọ xát từ môi trường bên ngoài.
Thông thường, đốt xương này chỉ ẩn bên trong đầu, nhưng có một số trường hợp cảm nhận được họ có nó. Và dù chưa ghi nhận trường hợp nào lộ hẳn ra ngoài, nhưng hiện tượng này cũng cho thấy một sự thực là con người ngày nay đang sử dụng điện thoại quá nhiều.
Để tránh có ngày “mọc sừng”, hãy luôn ngồi thẳng lưng, tránh cúi gập người khi sử dụng điện thoại, và nhớ là sau 1h cần phải để cơ thể nghỉ ngơi.
2. Hội chứng “Cổ tin nhắn” (Text-neck)
Tư thế cúi xuống khi sử dụng điện thoại không chỉ khiến bạn mọc sừng, mà còn gây hậu quả xấu cho lưng và cổ nữa. Hậu quả điển hình nhất chính là hội chứng “cổ tin nhắn”.
Cụ thể, một nghiên cứu mới đây do bác sĩ phẫu thuật cột sống Jason Cuellar và Todd Lanman từ Trung tâm y tế Cedars-Sinai (Los Angeles, Mỹ) đã chỉ ra rằng chúng ta đang có xu hướng cúi đầu quá nhiều khi sử dụng điện thoại, với độ cong về phía trước khoảng 45 độ. Con số này còn khủng khiếp hơn – lên tới 50, 60 độ khi sử dụng điện thoại lúc đang ngồi.
Lanman cho biết, ở tư thế thẳng cổ, đầu của chúng ta phải chịu áp lực khoảng 4 – 5 kg. Nhưng chỉ cần cúi xuống 15 độ, áp lực đã lên tới 12kg. Và khi nghiêng 60 độ, đó là 27kg.
Vậy phải làm sao? Các bác sĩ tin rằng lời khuyên tốt nhất lúc này là giảm tần suất sử dụng điện thoại xuống, đồng thời tăng cường các đợt nghỉ trong khi sử dụng. Ngoài ra, hãy chăm tập các bài giúp cải thiện sức mạnh cơ cổ và vai.
Ngoài ra, Lanman cho rằng khi ngồi mà sử dụng điện thoại, ít nhất hãy đặt khuỷu tay lên bàn, đưa điện thoại ngang tầm mắt. Tư thế đó vừa tốt cho cổ, vừa giảm được áp lực cho vai và cánh tay.
3. Hội chứng “Ngón cái nhắn tin” (Texting thumb)
Thực ra chứng bệnh này chưa có chẩn đoán chính thức, nhưng có rất nhiều người ghi nhận cùng một triệu chứng giống nhau nên người ta đã đặt cho nó cái tên như vậy.
Đây là hội chứng khiến người ta cảm thấy đau đớn, khó chịu do động tác nhấn và quẹt màn hình quá nhiều, gây chuột rút ngón cái và phần dưới bàn tay. Thậm chí, có trường hợp nặng đến mức cần phải phẫu thuật – theo như ghi nhận của các bác sĩ tại ĐH Rush (Chicago, Hoa Kỳ)
Y học hiện vẫn chưa ghi nhận sự liên hệ giữa căn bệnh này với việc sử dụng điện thoại quá mức. Dù vậy, một số chueyen gia khuyên rằng nếu thấy các triệu chứng tương tự, bạn cần phải sử dụng smartphone một cách điều độ hơn, cho ngón tay nghỉ ngơi nhiều hơn, và thường xuyên thực hiện các động tác giãn cơ tay mỗi khi mỏi.
4. Hội chứng mắt máy tính (Computer vision syndrome)
Khi nhìn vào màn hình điện tử trong thời gian quá dài – dù là máy tính, điện thoại hay tablet – mắt sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi và gây ra một số vấn đề về thị lực, được gọi chung là “Hội chứng mắt máy tính
Các triệu chứng thường gặp là đau, mỏi mắt, mắt mờ, đỏ và đôi khi cảm thấy chớp sáng, đòi hỏi phải chớp mắt nhiều lần.
Muốn tránh hiện tượng này xảy ra, hãy đảm bảo màn hình có độ sáng cần thiết, tránh lóa vì sáng quá, cũng không quá tối vì dễ gây mỏi. Ngoài ra nếu bị cận hoặc viễn, hãy đảm bảo bạn đang đeo một chiếc kính đúng số, nếu không mắt cũng rất nhanh mỏi.
Và điều quan trọng nhất là hãy sử dụng các thiết bị điện tử một cách thật điều độ.
5. Hội chứng tưởng tượng rung điện thoại” – (Phantom Vibration Syndrome – PVS)
Hẳn ai trong chúng ta cũng từng 1 – 2 lần trải nghiệm hiện tượng thấy điện thoại trong túi rung lên nhưng khi kiểm tra lại không hề có tin nhắn hay cuộc gọi nào.
Theo các nhà khoa học, thủ phạm gây ra hiện tượng “điện thoại ma” này có tên là “hội chứng tưởng tượng rung điện thoại” (Phantom Vibration Syndrome – PVS).
TIN LIÊN QUAN
Đây là Galaxy Fold phiên bản Game of Thrones cực chất và chát: Đắt gấp 4 lần bản thường
Laptop trở lại thời hoàng kim, ngày càng kỳ quặc nhưng không kém phần thú vị
iPhone rơi vỡ tan tành đến nỗi mất hẳn một góc nhưng vẫn chạy bình thường
Các nhà nghiên cứu đến từ Massachusetts của Mỹ đặt giả thuyết rằng những tín hiệu giả hiệu này “có thể là kết quả của việc xử lý sai tín hiệu cảm giác của vỏ não”.
Họ cho rằng, những người bận rộn thường xuyên liên lạc qua điện thoại, não bộ sẽ thường xuyên hiểu sai ý nghĩa của những loại thông tin như sự cọ xát quần áo vào cơ thể, kích thích tri giác khác… thành ảo giác điện thoại rung.
Nếu muốn giải quyết câu chuyện này, có một cách cực kỳ đơn giản là… tắt chế độ rung trong điện thoại, hoặc đừng cất điện thoại trong túi quần hay bất kỳ nơi nào tiếp xúc với cơ thể.
Tham khảo: Straits Times